Review đọc sách quý I 2024

Mở đầu

Xin chào 500 anh em đã quay trở lại với blog của mình, cũng đã lâu rồi mình chưa ra bài mới, mà cũng đã sắp tới lễ Phục Sinh, cũng là đánh dấu sự kết thúc của quý I năm 2024, mình sẽ đăng review 8 cuốn sách mình đã hoàn thành trong quý này (bao gồm cả hình thức đọc và nghe sách nói). Hi vọng sẽ có thể giúp ích cho các bạn (mà không cũng không sao 😈).

Tôi tự học - Nguyễn Duy Cần

Chấm điểm: 5/5⭐ Đây là một cuốn sách mình mua cũng khá là lâu rồi, nhưng tới sau tết năm nay mới đọc xong. Cuốn này mình vì thấy hay nên cũng đã tặng nó cho 5 người (nhà xuất bản chắc là sẽ thích mình lắm đó hehe).

Cuốn Tôi tự học được xuất bản lần đầu vào năm 1961, cách đây cả 1 đời người, nhưng vẫn còn ở đó nhiều điều hay đáng học hỏi. Tác giả Nguyễn Duy Cần - bút danh Thu Giang, cùng với cụ Nguyễn Hiến Lê chính là 2 học giả nổi tiếng của Việt Nam ở thế kỷ trước, thế nên sẽ không cần đánh giá nhiều về chất lượng cuốn sách, có lẽ thời gian là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi này rồi.

Sẽ không lạ khi đọc cuốn sách này và thấy khó hiểu, bởi vì cụ dùng văn phong trước 75 cùng với nhiều từ Hán Việt mà bây giờ có tra từ điển tiếng Việt cũng chưa chắc đã tìm ra đúng nghĩa của nó (mà phải tra từ điển Hán Nôm cơ). Thế nhưng đây lại là điều mà mình thích ở cuốn sách này, để nguyên từ ngữ Hán Việt có vẻ hàm súc hơn nhiều so với dịch theo kiểu thuần Việt.

Về nội dung thì y như tên gọi cuốn sách: "tôi tự học" là những quan điểm và phương pháp tự đào luyện bản thân của cụ Thu Giang, cụ thêm chữ "Tôi" vào mà không để mỗi "tự học" chắc cũng là vì thể hiện sự chủ quan của cuốn sách.

Mặc cho sự chủ quan này, cuốn sách vẫn có nhiều tư tưởng và câu trả lời rất hay cho những câu hỏi: Tại sao lại phải học? Học rộng hay là học sâu mới tốt? Học những gì? Học như thế nào? Cần rèn luyện những tư duy nào? (cụ có nhắc tới óc phê bình, mình nghĩ gọi hiện đại hơn thì đó là critical thinking - tư duy chí mạng, ý lộn, tư duy phản biện 😗)

Nói đi cũng phải nói lại, cụ có vẻ là một người hướng nội, thiên hướng văn hóa Á Đông cho nên cho nên cách học của cụ có vẻ như muốn đào sâu vào nội hàm bản thân và phát triển nó. Bên cạnh đó, bạn có thể sẽ thấy một vài tư tưởng của cụ khá lạc hậu, cổ hủ hoặc thậm chí hơi lập dị.

Học quan trọng chứ bạn nhỉ? Học để mưu sinh; học để hiểu biết; học để làm cha mẹ; học để làm anh, làm chị, làm con, làm cháu, làm bạn; học để giúp ích cho xã hội; và học để hiểu rõ bản thân mình hơn.

Nhưng hãy quên một điều rằng học không phải là mỗi học ở trường lớp, ta có thể tự học ở bất kì nơi đâu và từ rất nhiều nguồn khác nhau. Chính thiết bị bạn đang dùng để đọc bài viết này thì cũng là thứ giúp tôi tự học vậy.

Quote hay:

Đọc sách để mà suy nghĩ

Đừng đọc sách để mà khỏi suy nghĩ

-- Gibbon

System design interview

Tác giả: Alex Xu

Chấm điểm: 3/5⭐

Đây có lẽ là cuốn sách tech mình đọc nhanh nhất, vỏn vẹn 26 ngày đã đọc xong.

system design interview

Mà lý do đọc nhanh cũng dễ hiểu: Cuốn này ngắn, không thuộc dạng wall of text, wall of knowledge như mấy cuốn khác của Oreilly.

Mà đa phần sách của Oreilly thì phần trình bày rất khoa học, có chia mục lục với link các phần với nhau dễ tra cứu hơn, cuốn này thì không như thế, nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

Về nội dung, đa phần cuốn này đưa ra các câu hỏi phỏng vấn về thiết kế hệ thống: Thiết kế youtube, hay thiết kế lại google drive, nhưng sẽ không đi ngay vào bài toán lớn, mà sẽ đi từ những vấn đề nhỏ hơn: 1 rate limiter, hay 1 hệ thống notification trước.

Với các vấn đề chuyên sâu hơn, tác giả chỉ đưa ra keyword để anh em tìm kiếm và nghiên cứu thêm chứ không đi sâu vào, do vậy cuốn này mình đánh giá là thuộc dạng practical hơn.

Mình có đọc qua cuốn Understanding distributed system, mà cũng được Alex Xu đề cập ở cuối sách thì cuốn UDS có mô tả 1 cách khái quát và đi sâu vào nhiều vấn đề của hệ thống phân tán hơn, anh em cũng có thể tham khảo đọc.

Vẫn rất recommend cuốn này cho mọi người đọc nhé, đặc biệt cho ai muốn đi phỏng vấn mà có hỏi system design nhiều :D.

Learning Go - John Bodner

Đánh giá 4/5 ⭐

Đây là một cuốn sách về Golang, một ngôn ngữ lập trình và cũng là cuốn sách về ngôn ngữ đầu tiên mà mình đọc. Vẫn như các sách khác từ nhà Oreilly, chữ rất là nhiều!

learning go - john bodner

Sách này theo cảm nhận của mình thì là hay, tác giả đi qua hầu như tất cả các tính năng của Go, gần như phần nào cũng đào sâu vào bản chất của nó, phần Generic thì không có nhưng chắc là ở edition số 2 sẽ được bổ sung. Còn về concurrency thì chỉ đề cập tới các pattern cũng như giới thiệu căn bản về Channel, Waitgroup và Goroutine, cho nên nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về Goroutine và concurrency thì có lẽ bạn nên tìm cuốn sách khác.

Mình đã ngưng cuốn này khi đọc được 60% - lúc đã qua phần goroutine và tới phần testing, chắc là mình đã quá ngán chữ, ngán code mẫu, 2 là mình cũng đã làm Go được 2 năm rồi, mấy thứ basic quá mình nghĩ mình lên trang godoc đọc nhanh hơn 😀.

Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm

Tác giả: Mark Manson

Sách hay, mặc dù thể loại self help nhưng nó thực sự đáng đọc.

nghe thuat tinh te cua viec dech quan tam

Chấm điểm: 4/5⭐

Cuốn này mình được anh lead tặng. Nó bay vào kệ sách nhà mình với tâm thế: "Bớt lo chuyện xàm xí đi, tập trung vào chuyện quan trọng thôi nha bro".

Đoạn trích dẫn làm mình ngay lập tức lao vào đọc cuốn sách này chính là:

Sự trốn tránh việc chịu đựng sự giày vò cũng chính là một sự giày vò.

Sự trốn tránh đấu tranh cũng là một cuộc tranh đấu.

Sự chối bỏ thất bại chính là một sự thất bại.

Che giấu điều đáng xấu hổ cũng là một dạng hổ thẹn.

Lúc đọc thì hay, nhưng khi review thì mình cũng chẳng viết được quá nhiều, chỉ tóm gọn lại được vài gạch đầu dòng này:

  • Muốn được hạnh phúc bao nhiêu thì mình phải chịu được nỗi đau tương đương với nó.
  • Đếch quan tâm, không phải là chán đời, mà chính là chỉ quan tâm tới những điều hệ trọng nhất mà thôi. Và điều này giúp chúng ta hạnh phúc hơn.
  • Nếu ta không có lý do để làm gì cả, thì cũng chẳng có lý do gì để ta không làm một điều gì đó, dù là nhỏ nhất.

Đôi lúc tôi vẫn thường bị nói kiểu: "sao anh giống như ông già ấy", và rồi cũng chính người đó hôm sau nói tôi trẻ trâu. Dĩ nhiên tôi "đếch quan tâm" đến chuyện đó, vì tôi thích thế, và tôi ổn với lựa chọn đó. Tôi chọn quan tâm đến những điều khác rồi, vẫn trẻ trâu trong vài hành động, nhưng trẻ trâu vẫn có con đường và kế hoạch cho trẻ trâu đó thôi, I’m still good.

Đại dương đen

Tác giả: T.S Đặng Hoàng Giang

Chấm điểm: 5/5⭐

Huh, quả thật đây là 1 cuốn sách khá dày đấy, vì phải mất tới 2 tuần mình mới nghe xong, với hơn 10 giờ nghe trên Fonos.

dai duong den - van de tram cam

Đọc xong cuốn sách này, mình lại càng "bôi đậm" thêm những từ đã được mình lưu ý như những bài học của năm ngoái: Bao dung. Đúng vậy, bao dung, và cả thấu hiểu, đồng cảm nữa.

Trầm cảm vốn là một vấn đề mà ít ai muốn nhắc tới, nhưng nó luôn hiện hữu xung quanh ta. Cuốn sách này đưa mình vào thế giới của người bị trầm cảm thông qua lời kể của chính những bệnh nhân mắc căn bệnh này. Vào phần sau của cuốn sách thì tác giả có sơ lược về những hội chứng, tâm bệnh liên quan nhằm phổ cập kiến thức về trầm cảm.

Mọi người có thể kì thị họ: "Tay chân thì lành lặn, có phải chịu áp lực hay stress gì đâu mà phải trầm cảm", hay là "Chỉ vì một thằng con trai mà phải trầm cảm, lên cơn vậy sao?" trong sự thiếu hụt kiến thức về sức khỏe tâm thần, hay còn gọi là "tâm bệnh". Họ thiếu kiến thức vì vô tình, hay cố ý "toxic" với người trầm cảm, vô hình chung làm căn bệnh càng tồi tệ hơn.

Có một ẩn dụ rất hay như thế này: Sức chịu đựng áp lực tâm lý của mọi người vốn dĩ gần như là ngang nhau, ta ví nó như 1 cái thùng gỗ vậy. Nhưng với một số người, cái thùng ấy đã bị lấp đầy với những trải nghiệm tồi tệ: Tuổi thơ có môi trường độc hại, bị bạo hành, bị xâm hại… Tạo nên những niềm tin lệch lạc và méo mó bên trong họ, do vậy ta rất dễ hiểu khi họ dễ dàng rơi vào trầm cảm.

Và rõ ràng, việc thuyết giảng cho những người mắc tâm bệnh là: "Cố gắng lên, mọi chuyện sẽ ổn thôi", "Mày đã làm được gì cho gia đình và xã hội chưa mà đòi ch*t", v.v là một điều không có ý nghĩa. Họ vẫn còn lí trí, họ thừa biết điều đó, và việc nghe thêm những điều này càng tăng thêm sự mặc cảm trở thành gánh nặng cho mọi người lên họ. Họ cần được lắng nghe nhưng không phán xét và nhất là cần được điều trị.

Bên cạnh đó, mình cũng rút ra được một bài học là: Hãy cố gắng yêu thương, để tâm tới sức khỏe tinh thần của người thân mình nhiều hơn, đặc biệt là con trẻ. Hãy cố gắng để con trẻ có một gia đình đầy đủ, hãy dành thời gian trò chuyện với con trẻ nhiều hơn để hiểu được áp lực của con, cũng như là phát hiện kịp thời lúc con trẻ ra tín hiệu "cầu cứu".

Dài quá rồi nhỉ, thôi đến đây thôi, ai có hứng thú thì có thể tìm mua sách giấy hoặc cách mình recommend hơn là mua sách nói trên Fonos, giọng đọc được phân vai phù hợp và có thể miêu tả được cảm xúc của nhân vật.

Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại

Tác giả: Jack Weatherford

Chấm điểm: 3/5⭐

thanh cat tu han va su hinh thanh the gioi hien dai

Cuốn sách là một câu chuyện về Thiết Mộc Chân - Thành Cát Tư Hãn, cách mà ông chinh phạt cả vùng thảo nguyên rộng lớn, cũng như đặt nền móng cho không chỉ là đế chế Mông Cổ - một đế chế hùng mạnh, tự do tôn giáo, giáo dục miễn phí, có đặc sắc văn hóa riêng mà còn ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử thế giới.

Lính Mông Cổ đánh trận rất sáng tạo, chinh phạt hết cả mấy lục địa mà vẫn phải thua liền 3 trận với quân dân Đại Việt, chúng ta có quyền tự hào về điều đó.

Cuốn này đáng đọc, không bị quá khô khan như các sách sử chuyên sâu khác, có tính giải trí cao, nghe sách nói này trong lúc nấu ăn hay giặt đồ thì vẫn hợp lý vì không phải căng não ra để suy nghĩ quá nhiều :D.

Đời ngắn đừng ngủ dài

Tác giả: Robin Sharma

Đánh giá: 2/5 ⭐

Sách này làm mình choáng ngợp với 100 chương đạo lý.

Thực ra đạo lý nào cũng đúng nếu mình hiểu đúng ngữ cảnh và áp dụng một cách phù hợp.

Nhưng có vẻ không hợp với mình lắm.

Bây giờ chắc mình cần thứ gì đó "practical" , thực tiễn hơn.

Đời ngắn lắm, ngủ ít thôi, hãy đứng dậy và làm gì đó vĩ đại đi!

Không! tôi mệt rồi, cho tôi nghỉ 1 chút thôi, tôi là người bình thường, hãy để tôi nỗ lực 1 cách bình thường đi.

Kỹ năng quản lý thời gian

Tác giả: Jake Knapp, John Zeratsky

Chấm điểm: 3/5⭐

ky nang quan ly thoi gian

Cuốn này được mình mua năm ngoái, cái lúc mà mình vẫn gặp 1 triệu chứng y chang năm nay:

Có rất nhiều việc phải làm, thế nhưng lại không ưu tiên được cái gì trước cái gì sau.

Kết quả là không làm được gì ra hồn, mình lại đâm ra stress, bực bội. Mà càng bực bội, mình lại càng kiệt sức (exhausted), mà tình trạng này kéo dài ít thì 1-2 ngày, nhiều thì 3-4 ngày. Suốt giai đoạn đó là cả ngày không làm được cái gì cả: Bài tập không hoàn thành, không học được bài mới, blog cũng không viết được, tiếng anh không học thêm được chữ nào, sách về chuyên môn cũng chẳng đọc được nốt…

Năm nay mình đọc xong cuốn này, và mình nhận ra cuốn sách này không hay như mình tưởng. Các bí kíp của cuốn sách này đưa ra có nhiều điều mình nghĩ là mình không thể nào áp dụng được.

Tuy nhiên, phương pháp "Dành thời gian" được đưa ra trong cuốn sách này có vẻ lại mang tới 1 tia sáng cho mình, mình đã chủ động liệt kê ra danh sách tối hậu, hoặc chắc cũng na ná ma trận Eisenhower: Một ngày chỉ đặt ưu tiên hoàn thành 1 mục tiêu duy nhất, và khả thi.

Và họ (tác giả) cũng nhắc mình, có khi nào mình đã không cho não bộ được nghỉ ngơi chăng? Chắc phải đánh giá thêm, vì mình rất khó chịu khi để cho não bộ nghỉ ngơi. Rảnh tay rảnh chân không làm gì thì bấm điện thoại, mở laptop lướt vu vơ không có mục đích cụ thể. Khi không rảnh tay: Tắm, lau nhà, nấu ăn, giặt đồ - lúc ấy mình cũng phải ép buộc bản thân phải làm gì đó có ích hơn như là nghe sách nói, hay nếu không thì vẫn phải mở danh sách nhạc yêu thích lên để "chill".

Có khi nào bạn đi bộ chỉ để đi bộ, đạp xe chỉ để đạp xe, nấu ăn chỉ để có đồ ăn, lau nhà chỉ để sàn nhà sạch? Lúc có có lẽ là lúc thật sự đầu óc bạn được nghỉ ngơi.

Viết tới đây mình lại suy nghĩ? Ủa mình review dài thế, thì chắc là sách này phải hay chứ? Ừ cũng đúng, mình sẽ suy nghĩ lại về vấn đề này, hihe!

Kết luận

Mình vẫn còn đang đọc dở vài cuốn sách tech cũng như sách về thể loại khác. Hẹn bạn vào bài viết sau, có thể là ở quý sau hoặc mình nghĩ là mình sẽ viết 1 bài về Golang đó hehe.

Kiên Đinh

Bần đạo là Kiên Đinh, một Developer. Ta viết blog này với mục đích chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân đối với coding chi đạo.